Sử dụng năng lượng xanh, sạch, tái tạo hướng tới đạt mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050
Bài báo nghiên cứu "Sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo hướng tới đạt được các mục tiêu phát thải vào năm 2050 của Việt Nam theo cam kết tại Hội nghị COP26" do PGS.TS. Doãn Hồng Nhung (Giảng viên Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội VNU-UL), Trần Văn Dũng (Công ty Luật TNHH Gattaca) và Lê Thị Ngọc Huyền (Công ty Luật TNHH Vietthink) thực hiện.
1. Đặt vấn đề
Ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Không chỉ vậy, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị và được Đảng ta xác định là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm tại Đại hội XIII của Đảng. Biến đổi khí hậu hiện nay đang tác động tiêu cực đến sự phát triển của kinh tế - xã hội của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Không chỉ vậy, mức độ ảnh hưởng và tác động của biến đổi khí hậu phụ thuộc rất nhiều vào công tác bảo vệ môi trường của con người.
Chính vì thế, Việt Nam đang nhanh chóng triển khai các công tác thực hiện bảo vệ môi trường từ việc sử dụng nguồn NLX, NLS, NLTT. Bên cạnh đó, tại Hội nghị COP26, Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực cùng cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; đây là động lực quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng bảo vệ môi trường vào hoạt động sản xuất. Các nguồn năng lượng này không chỉ có đóng góp quan trọng trong việc phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường còn góp phần quan trọng đến việc bảo đảm quyền con người. Không chỉ vậy, “con người là trung tâm của những mối quan tâm về sự phát triển lâu dài. Con người có quyền được hưởng một cuộc sống hữu ích và lành mạnh, hài hòa với thiên nhiên[1]”. Việc sử dụng nguồn NLX, NLS, NLTT góp phần thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu tại Hội nghị COP26 một cách nhanh chóng và chính xác theo cam kết.
2. Sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo hướng tới đạt được các mục tiêu phát thải vào năm 2050 của Việt Nam
2.1. Khái niệm về năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo
Trong những năm gần đây với sự phát triển nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng bảo vệ môi trường ngày càng tăng lên. Đồng thời, việc sử dụng nguồn năng lượng xanh cũng góp phần đáng kể đến việc đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia nhằm hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đây còn là tiền đề để chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu không thể lường trước, cùng những tác động xấu của biến đổi khí hậu đối với đời sống của xã hội. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 79 Thông tư số 40/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 5/11/2014 quy định quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia “năng lượng tái tạo bao gồm: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều, năng lượng địa nhiệt, năng lượng sinh khối, năng lượng khí sinh học[2]”. Hơn nữa, quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có quy định “Năng lượng tái tạo là năng lượng được khai thác từ nước, gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, sóng biển, nhiên liệu sinh học và các nguồn tài nguyên năng lượng có khả năng tái tạo khác[3]”. Tuy nhiên, đến Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã không còn định nghĩa về năng lượng tái tạo, nhưng vẫn có những quy định đề cập đến chính sách, sử dụng năng lượng tái tạo.
Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về năng lượng xanh, năng lượng sạch nhưng có thể hiểu nguồn năng lượng sạch là “nguồn năng lượng ít hoặc không gây ảnh hưởng đến môi trường[4]”. Năng lượng xanh là nguồn năng lượng khi sử dụng, sản xuất không ảnh hưởng đến môi trường và chúng được tạo ra từ các nguồn tự nhiên như ánh sáng mặt trời, gió, mưa, địa nhiệt,… Nguồn năng lượng này ngược lại với nguồn năng lượng hóa thạch. Như vậy, có thể nhận thấy, nguồn NLX, NLS, NLTT chỉ tổng thể việc sử dụng các nguồn năng lượng khác nhau mà không ảnh hưởng đến con người và môi trường. Vì vậy, việc chuyển dần từ sử dụng năng lượng hóa thạch truyền thống sang năng lượng xanh, sạch, tái tạo sẽ giúp phát thải đáng kể, chống biến đổi khí hậu một cách hiệu quả nhất.
Hơn nữa, để thực hiện được những mục tiêu theo cam kết tại Hội nghị COP26, cần xác định sử dụng nguồn năng lượng xanh là nhu cầu tất yếu của xã hội. Vì vậy, cần hạn chế hoặc không phát triển thêm các nhà máy điện than mới; chuyển dịch cơ sở hạ tầng để phục vụ cho hoạt động khai thác và sử dụng nguồn năng lượng xanh; sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, khung chính sách cho sự phát triển của nguồn năng lượng xanh. Sử dụng nguồn NLX, NLS, NLTT có vai trò quan trọng trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm:
Thứ nhất, việc sử dụng nguồn NLX, NLS, NLTT giúp cho môi trường sống được phát triển, trong lành, đảm bảo các điều kiện tốt nhất chất lượng cuộc sống. Từ đó, con người sống trong môi trường đó cũng được hưởng những điều kiện sống tốt nhất, chất lượng cuộc sống cũng được đảm bảo tối đa. Đồng thời, giảm thiểu tối đa sự tác động xấu của biến đổi khí hậu đến môi trường sống của con người.
Thứ hai, sử dụng nguồn NLX, NLS, NLTT nhằm hướng tới môi trường vệ sinh, an toàn, đảm bảo sức của của người dân, cũng như bảo đảm cảnh quan môi trường. Từ đó, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng và bền vững. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo cho quyền con người được sống trong môi trường trong lành.
Thứ ba, sử dụng nguồn NLX, NLS, NLTT là nhu cầu tất yếu cần phải thực hiện để hoàn thành các mục tiêu trong cam kết phát thải ròng bằng “0” tại Hội nghị COP26. Từ đó, góp phần quan trọng đến việc bảo đảm an ninh năng lượng do sự suy giảm nhanh chóng của các nguồn năng lượng cũ như dầu khí, than đá, khoáng sản.
Như vậy, trong mối quan hệ tương quan giữa sử dụng nguồn NLX, NLS, NLTT và ứng phó với biến đổi khí hậu có mối quan hệ mật thiết với nhau. Sử dụng nguồn năng lượng này là đang góp phần chống lại biến đổi khí hậu, giảm tối đa sự tác động của biến đổi khí hậu đến với môi trường; từ đó hướng tới việc phát triển xanh, phát triển bền vững.
2.2. Thực trạng quy định pháp luật về sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo
Hành lang pháp lý trong việc sử dụng nguồn NLX, NLS, NLTT nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu cũng đã được xây dựng và hoàn thiện. Theo đó, Điều 43 Hiến pháp năm 2013 quy định:“Mọi người đều có quyền sống trong môi trường trong làng và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Vì thế, vấn đề về bảo vệ môi trường sống đối với biến đổi khí hậu được Hiến pháp năm 2013 khẳng định. Điều này lại càng khẳng định vị thế và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đối với quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 quy định:“Ứng phó với biến đổi khí hậu là hoạt động của con người nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính[5]”. Vì vậy, mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu trong quá trình sử dụng NLX, NLS, NLTT đã được triển khai và pháp điển hóa trong nhiều văn bản pháp luật.
Để thực hiện hóa hoạt động sử dụng NLX, NLS, NLTT, ngày 25/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, “chú trọng sử dụng các công nghệ đã được kiểm chứng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, như thủy điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, khí sinh học để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo…[6]”. Bên cạnh đó, Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 về phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 cũng đưa ra những mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu:“Chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng“0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế[7]”. Đồng thời, Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 7/01/2022 quy định chi tiết thi hành luật bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng quy định cụ thể về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hành lang pháp lý cho việc sử dụng NLX, NLS, NLTT trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” tại Hội nghị COP26 phần nào có những thành công nhất định. Nhiều chính sách pháp luật được quy định cụ thể tạo ra hành lang pháp lý quan trọng giúp cho quá trình thực hiện được thúc đẩy nhanh chóng. Hoạt động khuyến khích sử dụng năng lượng điện gió (năng lượng tái tạo) được triển khai rộng rãi giúp hạn chế tối đa việc sử dụng các nguồn nhiên liệu thô khác.
Những nỗ lực thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội Nghị COP26 “đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Đây cũng là yêu cầu mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị COP26[8]”. Ngay sau COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế, các Bộ, ngành và địa phương đã có một số kết quả quan trọng. Trong đó nổi bật là việc hoàn thiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26. Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành Giao thông vận tải.
Các bộ, cơ quan liên quan đã rất tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác. Nhờ đó, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được các bộ, ngành ký kết với các đối tác phát triển, các định chế tài chính, bước đầu tìm kiếm và huy động nguồn lực hỗ trợ, đầu tư và triển khai các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển bền vững, phát thải carbon thấp và tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Sau Hội nghị COP26, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới mong muốn phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Một số tập đoàn lớn đang tiến hành nghiên cứu, đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Như vậy, trong quá trình triển khai thực hiện sử dụng nguồn NLX, NLS, NLTT để ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, đặc biệt đối với hành lang pháp lý cho hoạt động này cũng đang dần hoàn thiện. Chính sách khuyến khích đầu tư vào nguồn năng lượng này đang được Đảng và Nhà nước quan tâm khi đưa ra nhiều chính sách ưu đãi.[9] Vì vậy, cần nhanh chóng đưa ra những giải pháp nhằm bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành, đáp ứng được yêu cầu tốt nhất của cuộc sống.
3. Đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về năng lượng bảo vệ môi trường và thực hiện các mục tiêu phát thải tại Hội nghị COP26
3.1. Giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về thực hiện các mục tiêu phát thải tại Hội nghị COP26
Thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường của hoạt động phát điện, phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành Năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cùng các giải pháp kỹ thuật phức tạp. Quy hoạch nhấn mạnh việc cần khai thác tối đa và hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện, giảm tối đa phát thải khí CO2, không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030.
Các nhà máy nhiệt điện than, khí sẽ chuyển dần sang dùng biomass, amoniac hoặc hydrogen - khi các công nghệ đã được kiểm chứng và thương mại hóa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời, ưu tiên phát triển các dự án điện NLTT cấp điện trực tiếp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp và dân sinh (ưu tiên sản xuất hydrogen, amoniac xanh, hóa chất,…), các loại hình thủy điện tích năng, thủy điện trên các hồ thủy lợi, điện sinh khối, điện chất thải rắn và năng lượng tái tạo khác; đẩy mạnh chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Đây chính là hành động thiết thực bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực tài nguyên môi trường ở Việt Nam[10], đảm bảo đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, các dạng năng lượng truyền thống đang suy giảm về khả năng cung cấp, các tiềm lực trong nước còn hạn chế, chúng ta phải đảm bảo tăng trưởng xanh. Cần nhanh chóng xây dựng các khuôn khổ pháp lý cho các lĩnh vực mà chúng ta cho là trụ cột để thực hiện[11]. Đây là nền tảng để thúc đẩy công nghệ, cùng các giải pháp, góp phần thực hiện hoàn thiện pháp luật, từng bước thành công chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
Ngoài ra, đánh giá quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam về: thách thức, cơ hội, những vấn đề đặt ra và giải pháp. Đánh giá về tác động của quá trình phát triển năng lượng đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học (cả trên cạn và dưới nước) và tình hình phát thải khí nhà kính, trong đó làm rõ đóng góp của ngành năng lượng vào tổng phát thải của Việt Nam; mức độ phát triển bền vững của ngành Năng lượng ở nước ta. Bên cạnh đó là các giải pháp bảo vệ môi trường khi các nhà máy năng lượng dừng hoạt động. Việc thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển năng lượng, đặc biệt là các dự án phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời,...). Nhà nước cần ban hành những quy định pháp luật về khuyến khích đầu tư cho các dự án điện gió, điện mặt trời để tận dựng thế mạnh và khai thác tài nguyên, vị trí địa lý vùng nhiệt đới gió mùa của Việt Nam.
Hoàn thiện các quy định pháp luật về quy chuẩn phát thải đối với các loại ngành nghề công - nông nghiệp. Về quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với tro xỉ và vật liệu xây dựng từ tro xỉ; về các quy định đối với đất đá thải trong quá trình khai thác, chế biến than. Xây dựng cơ chế, chính sách và tài chính để hình thành và vận hành thị trường carbon.
Triển khai thu gom xử lý các chất thải, tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng trong sản xuất năng lượng mặt trời. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng, mặt nước để phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, thủy điện, lưới truyền tải điện. Mức độ tuần hoàn tài nguyên, chất thải (nhất là tro, xỉ nhà máy nhiệt điện than), năng lượng của quá trình sản xuất, truyền tải, sử dụng năng lượng. Đánh giá khả năng đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon trong thời gian tới.
Hoàn thiện các quy định pháp luật về cơ chế đầu tư, kinh doanh phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, giá cả thị trường năng lượng, cơ chế dự trữ, dự phòng năng lượng. Về việc triển khai xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh; sự liên kết giữa các thị trường của các phân ngành năng lượng. Năng lực cạnh tranh của các ngành Năng lượng hiện nay. Về tình hình xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về giá, thuế, phí và các vấn đề liên quan. Tính hợp lý về giá thành phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vốn đầu tư cho sản xuất điện năng; tỷ lệ cơ cấu về sở hữu vốn đầu tư sản xuất điện; về nguồn lực đầu tư và chính sách thu hút vốn đầu tư ngoài nhà nước; khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước. Đầu tư cho cơ chế dự trữ, dự phòng năng lượng.
Bên cạnh đó, để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đòi hỏi cả nguồn tài chính công và nguồn tài chính tư từ trong nước và quốc tế. Việt Nam cần định rõ hướng đi về đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và đặc biệt là sử dụng nguồn tài trợ từ khu vực tư nhân trong nước đóng vai trò thiết yếu để hỗ trợ đạt được mục tiêu cao cả đề ra trong COP26. Để đạt được và khả năng đạt được các mục tiêu phát thải vào năm 2050 của Việt Nam theo cam kết tại Hội nghị COP26, việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động hằng ngày sẽ dần trở thành vấn đề đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp.
Thứ nhất, xây dựng một luật khí hậu toàn diện để tạo điều kiện cho những sáng kiến đột phá và có tính khả thi.
Thứ hai, triển khai quy hoạch đất đai, Quy hoạch Phát triển Điện... định hướng và thu hút đầu tư xanh, xây dựng các công trình trên biển, công trình lấn biển. Quy hoạch và phát triển đảo nhân tạo.
Thứ ba, nhanh chóng đầu tư cho phát triển Chiến lược tài chính thúc đẩy đầu tư công nghệ hiện đại 5.0 cho Bảo vệ khí hậu, bảo vệ môi trường của nền kinh tế tuần hoàn. Nền tài chính xanh, giao dịch kết quả giảm phát thải, thị trường carbon, trái phiếu xanh, nhãn sinh thái.
Thứ tư, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Việt Nam cần tăng cường các chính sách và biện pháp về sản xuất, tiêu thụ và tái chế nhựa, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh nguồn nước. Hãy bảo vệ và giải cứu các dòng sông, dòng suối đầu nguồn… giảm thiểu rủi ro và phòng chống cháy rừng, phòng chống ô nhiễm biển, xử lý rác thải thông thường và rác thải nguy hại từ các khu công nghiệp, làng nghề, cụm công nghiệp;
Thứ năm, đảm bảo lợi ích công bằng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ các thành tố của môi trường sống và đưa ra các biện pháp để bảo vệ cộng đồng địa phương và người lao động khỏi các tác động bất lợi khi hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Bên cạnh đó còn có các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tăng cường cung cấp các dịch vụ thông tin về khí hậu cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người chịu gánh nặng của các tác động bởi khí hậu.
Thứ hai, thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu suất năng lượng và bảo vệ người lao động và những người dễ bị tổn thương;
Thứ ba, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn NLX, NLS, NLTT; phát huy thế mạnh năng lượng gió, đặc biệt là gió ngoài khơi với hơn 3.500 km đường bờ biển của Việt Nam ở vũng Biển Đông; Xây dựng quy hoạch không gian biển gắn với phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo, hải đảo và quần đảo của Việt Nam.[12]
3.2. Đề xuất hoàn thiện pháp luật về quản lý và sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành động lực thôi thúc rất lớn khiến cho việc đầu tư xây dựng và triển khai các dự án khai thác và sử dụng NLX, NLS, NLTT diễn ra nhanh chóng. Hơn thế nữa, quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu được đánh giá là mục tiêu xuyên suốt trong mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong chiến lược tăng trưởng xanh (Green Growth) và phát triển bền vững (Sustainable Development). Chính vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về sử dụng nguồn NLX, NLS, NLTT nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm một số những giải pháp sau:
Thứ nhất, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến khích đầu tư NLX, NLS, NLTT. Các quy định pháp luật cần cụ thể hóa các khái niệm, phương thức, điều kiện thực hiện, quy trình thủ tục triển khai các dự án.
Thứ hai, quy trình thủ tục cấp phép đầu tư, phát triển và xây dựng nguồn NLX, NLS, NLTT phải hướng tới việc bảo đảm môi trường sống trong thời đại công nghiệp 4.0. Rút gọn, đơn giản các thủ tục hành chính để hướng tới thực hiện cơ chế một cửa trong quản lý nhà nước về NLX, NLS, NLTT.
Thứ ba, những chính sách ưu đãi khi sử dụng nguồn NLX, NLS, NLTT đối với người dân cần phải triển khai một cách đồng bộ, đầy đủ và toàn diện nhất. Từ đó, giúp thay đổi thói quen sử dụng năng lượng hóa thạch chuyển dần sang sử dụng NLX, NLS, NLTT.
Thứ tư, khuyến khích học tập, nghiên cứu về triển khai dự án NLX, NLS, NLTT, nhằm đào tạo ra đội ngũ cán bộ tri thức có hiểu biết về nguồn năng lượng bảo vệ môi trường, năng lượng điện gió[13], năng lượng điện mặt trời xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Từ đó, giúp cho quá trình triển khai dự án xây dựng, quản lý và điều hành diễn ra nhanh chóng và đơn giản nhất.
Thứ năm, tăng cường tuyên truyền về hoạt động bảo đảm nhân quyền trong mối quan hệ với môi trường để người dân nhận thức được quyền và nghĩa vụ của bản thân đối với môi trường.[14]
4. Kết luận
Bảo vệ môi trường trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của mọi người dân, đây còn là động lực thúc đẩy cuộc sống và nâng cao chất lượng sống của con người. Đảng và Nhà nước đã quan tâm khi đưa ra nhiều chính sách, pháp luật khuyến khích đầu tư khai thác và sử dụng NLX, NLS, NLTT, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu sự tác động xấu của biến đổi khí hậu gây ra. Bên cạnh đó, cam kết tại Hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng “0” là nhu cầu tất yếu của sự phát triển. Chúng ta mong muốn rằng với việc Việt Nam thực hiện các cam kết mạnh mẽ như đã thực hiện tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26, sẽ có những cam kết mạnh mẽ hơn đã được cụ thể hóa trong chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, các nước phát triển và các nước khác trên thế giới cần thực hiện đúng những cam kết đã đặt ra.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Nguyên tắc 01 trong Tuyên bố của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Môi trường và Phát triển họp tại Rio De Janeiro (Brazil) từ ngày 3 đến 14 tháng 6 năm 1992.
[2] Khoản 2 Điều 79 Thông tư số 40/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 5 tháng 11 năm 2014 quy định quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia
[3] Khoản 1 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014
[4] Doãn Hồng Nhung, Nguyễn Thanh Hải (2022). Pháp luật về khuyến khích đầu tư năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 17, Hà Nội.
[5] Khoản 32 Điều 3 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020
[6] Quyết định số 2068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
[7] Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2022 về phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050
[8] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (2022). Truy cập tại: https://moit.gov.vn/bao-ve-moi-truong/no-luc-thuc-hien-cac-cam-ket-cua-viet-nam-tai-hoi-nghi-cop26.html.
[9] Bộ Công Thương (2019). Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15 tháng 01 năm 2019 quy định thực hiện phát triển điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió.
[10] Doãn Hồng Nhung (2015). Quyền con người trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường với vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam. Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội.
[11] Thủ tướng Chính phủ (2018). Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam,
[12] Doãn Hồng Nhung và Trần Văn Dũng (2022). Sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong thời đại công nghiệp 4.0 - Nhìn từ khía cạnh bảo đảm quyền con người. Kỷ yếu Diễn đàn: “Luật học Mùa Thu lần thứ hai (2 - VALF)”. Kỷ yếu Hội thảo Những vấn đề Nhân quyền hiện đại. Hà Nội, ngày 27-29/10/2022. Trang 214-222.
[13] Guang Hongliang (2008). Studies on Small Signal Stability of Electric Power System in Respect of Large Wind Farm Connection. Master’s degree, Department of Electrical Power System and its Automation, North China Electric Power University; 7-9.
[14] Doãn Hồng Nhung, Nguyễn Thanh Hải (2019). Hoàn thiện pháp luật về đầu tư năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Tạp chí Công Thương, Số 18 tháng 10, trang 37-41.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Công Thương (2019). Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15 tháng 01 năm 2019 quy định thực hiện phát triển điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió.
- Doãn Hồng Nhung (2015). Quyền con người trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường với vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam. Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội.
- Doãn Hồng Nhung, Nguyễn Thanh Hải (2019). Hoàn thiện pháp luật về đầu tư năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Tạp chí Công Thương, Số 18 tháng 10, trang 37-41.
- Doãn Hồng Nhung, Nguyễn Thị Bình (2017). Một số ý kiến đánh giá thuận lợi và khó khăn phát triển điện gió tại Việt Nam. Tạp chí Công Thương, số 6 tháng 5, 48-53.
- Quốc hội (2020). Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
- Thủ tướng Chính phủ (2018). Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, Hà Nội.
- Thủ tướng Chính phủ (2016). Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18 tháng 03 năm 2016 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, Hà Nội.
- Thủ tướng Chính phủ (2015). Quyết định số 2068/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Doãn Hồng Nhung và Trần Văn Dũng (2022). Sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong thời đại công nghiệp 4.0 - nhìn từ khía cạnh bảo đảm quyền con người. Kỷ yếu Diễn đàn “Luật học Mùa Thu lần thứ hai (2 - VALF)”. Kỷ yếu Hội thảo Những vấn đề Nhân quyền hiện đại. Hà Nội, ngày 27-29/10/2022. Trang 214-222.
- Doãn Hồng Nhung (2022). Đề xuất các quy định pháp luật về năng lượng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu để đạt được và khả năng đạt được các mục tiêu phát thải vào năm 2050 của Việt Nam theo cam kết tại Hội nghị COP26. Hội thảo Khoa học Quốc tế “Kinh doanh và phòng ngừa rủi ro: Góc nhìn pháp lý”. Tổ chức tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế ngày 25/4/2023.
- Guang Hongliang (2008). Studies on Small Signal Stability of Electric Power System in Respect of Large Wind Farm Connection. Master’s degree, Department of Electrical Power System and its Automation, North China Electric Power University, 7-9.
- Wang Wei (2008). Study on the Steady-state Model and Grid-Connected Problems of wind Turbine with Synchronus Generator. Master’s degree, Department of Electrical Power System and its Automation, Beijing Jiaotong University, 5-6.
Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ/
Sản phẩm nổi bật
Tấm PIN Năng Lượng Mặt Trời SUNTEK SSP-150W
1,790,000đ
2,150,000đ
Đèn sân vườn năng lượng mặt trời SUNTEK GD05
1,750,000đ
1,750,000đ
Đèn trụ cổng năng lượng mặt trời SUNTEK TC06
1,200,000đ
1,550,000đ
Bộ sạc Acquy, Pin bằng năng lượng mặt trời SA50W/30A
1,090,000đ
1,990,000đ
Đèn sân vườn năng lượng mặt trời SUNTEK GD89
1,904,000đ
2,150,000đ
Đèn pha Cao áp năng lượng mặt trời SUNTEK P20
3,350,000đ
3,590,000đ
Tấm PIN Năng Lượng Mặt Trời SUNTEK SSP-200W
2,190,000đ
2,550,000đ
Tấm PIN Năng Lượng Mặt Trời SUNTEK SSP-100W
1,390,000đ
1,590,000đ
Pin Lithium sắt photphat 3.2V/6.000mAh
65,000đ
79,000đ
Sản phẩm nổi bật
Tấm PIN Năng Lượng Mặt Trời SUNTEK SSP-150W
1,790,000đ
2,150,000đ
Đèn sân vườn năng lượng mặt trời SUNTEK GD05
1,750,000đ
1,750,000đ
Đèn trụ cổng năng lượng mặt trời SUNTEK TC06
1,200,000đ
1,550,000đ
Bộ sạc Acquy, Pin bằng năng lượng mặt trời SA50W/30A
1,090,000đ
1,990,000đ
Đèn sân vườn năng lượng mặt trời SUNTEK GD89
1,904,000đ
2,150,000đ
Đèn pha Cao áp năng lượng mặt trời SUNTEK P20
3,350,000đ
3,590,000đ
Tấm PIN Năng Lượng Mặt Trời SUNTEK SSP-200W
2,190,000đ
2,550,000đ
Tấm PIN Năng Lượng Mặt Trời SUNTEK SSP-100W
1,390,000đ
1,590,000đ
Pin Lithium sắt photphat 3.2V/6.000mAh
65,000đ
79,000đ