02:03 01/03/2024

Năng lượng sạch ghi nhận sự bùng nổ

Theo báo cáo Năng lượng tái tạo năm 2023 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), công suất điện tái tạo bổ sung đã đạt 507 gigawatt (GW) vào năm 2023, trong đó quang điện mặt trời chiếm 3/4 tổng lượng bổ sung năng lượng toàn cầu.

Năng lượng sạch ghi nhận sự bùng nổ
Một khu năng lượng mặt trời ở Thiên Tân, phía bắc Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Sau lời kêu gọi của COP28 nhằm tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030, động lực khử cacbon ngày càng tăng lên. Điều này có thể đưa sự phát tăng trưởng năng lượng tái tạo đạt tốc độ nhanh nhất trong 5 năm tới.

Nhưng những thách thức chính vẫn còn đó, đặc biệt là vấn đề thiếu nguồn tài chính cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, kéo theo phân bổ năng lượng sạch không đồng đều trên toàn thế giới. Trung Quốc chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể nhất. Công suất vận hành tương đương với tổng lượng điện mặt trời toàn cầu. Nước này cũng ghi nhận công suất bổ sung năng lượng gió tăng 66% so với cùng kỳ.

Bên cạnh sự tăng trưởng phi thường của Trung Quốc, Mỹ, châu Âu và Brazil cũng ghi nhận sự gia tăng kỷ lục về công suất năng lượng tái tạo.

Công suất năng lượng tái tạo trên toàn thế giới dự kiến sẽ tiếp tục quỹ đạo đi lên trong 5 năm tới. Việc lắp đặt năng lượng mặt trời và năng lượng gió dự kiến sẽ chiếm 96% công suất mới trong giai đoạn này. Mức bổ sung được dự đoán sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2028 so với năm 2022, đạt gần 710GW.

Chi phí sản xuất điện của hai nguồn năng lượng sạch này thường rẻ hơn so với nhiên liệu hóa thạch thay thế và nhiên liệu phi hóa thạch. Các nhà hoạch định chính sách đang dần hoàn thiện khung khổ thúc đẩy.
IEA kỳ vọng sẽ đạt được nhiều mục tiêu khác nhau trong tương lai: Trong năm 2024, điện gió và điện mặt trời cho ra công suất nhiều điện hơn thủy điện. Đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ vượt qua năng lượng than, trở thành nguồn phát điện lớn nhất. Tới năm 2026, năng lượng gió và năng lượng mặt trời đều vượt qua sản lượng điện hạt nhân. Cho tới 2028, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm trên 42% sản lượng điện toàn cầu, trong đó tỉ trọng điện gió và điện mặt trời tăng gấp đôi lên 25%.

“Báo cáo mới của IEA cho thấy, theo các chính sách và điều kiện thị trường hiện tại, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu đang trên đà tăng gấp 2,5 lần vào năm 2030. Vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu tăng gấp 3 lần, nhưng chúng tôi đang tiến gần hơn” - Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết.

“Thách thức quan trọng nhất đối với cộng đồng quốc tế là nhanh chóng tăng cường tài chính và triển khai năng lượng tái tạo ở hầu hết các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Nhiều nền kinh tế trong số đó đang bị bỏ lại phía sau trong nền kinh tế năng lượng mới.

Thành công trong việc đạt được mục tiêu tăng gấp 3 lần hay không sẽ phụ thuộc vào yếu tố này” - ông đề cập đến cuộc đàm phán về khí hậu COP28 tại UAE kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030.

“Trận chiến thực sự ở đây sẽ diễn ra ở 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là 20 nước phát thải lớn nhất thế giới. Nếu có sự chuyển đổi, sẽ có những điều tuyệt vời chờ đón” - ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Khí hậu, nhận định.

Để các quốc gia thành công trong mục tiêu triển khai cơ sở hạ tầng quy mô lớn, quá trình chuyển đổi phải giải quyết các bài toán về cấp phép, sử dụng đất, sự chấp nhận của cộng đồng và đa dạng sinh học.

Kadri Simson, Ủy viên Năng lượng EU, cho hay: “Hiện tại, chúng tôi có nhiều dự án tái tạo đang được cấp phép hơn là đang được xây dựng”.

Giải pháp được bà Simson đề xuất là “rút ngắn thời gian cấp phép” và “đảm bảo những công trình lắp đặt năng lượng tái tạo này sẽ được kết nối với lưới điện”.

NGỌC THIỆN/https://laodong.vn/