12:00 18/05/2023

Lắp điện mặt trời trên mái nhà tiết kiệm được bao nhiêu?

Vấn đề tiết kiệm tiền điện được nhiều bạn đọc chuyển đến ngành điện tại buổi toạ đàm trực tuyến về giá điện do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 16.5.

Một bạn đọc  hỏi: Chúng tôi là DN sản xuất kinh doanh. Làm thế nào để tiết kiệm điện, giảm chi phí sản xuất?

- Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC): Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nếu quan tâm đến chuyện tiết kiệm điện cần có dây chuyền cần kiểm toán năng lượng. Bên cạnh đó, cần có đơn vị tư vấn về thiết bị vì hiện có rất nhiều công nghệ hỗ trợ tiết kiệm điện. Thực tế, cường độ sử dụng điện của Việt Nam đang còn ở chế độ thấp. Thống kê trong năm qua, để tạo ra 1.000 USD ở Việt Nam phải tốn hơn 1.000kWh điện, cao hơn Singapore và Trung Quốc. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần xem xét lại dây chuyền, chú ý tiết kiệm điện ở văn phòng. Đặc biệt, nếu có hệ thống làm lạnh thì càng cần kiểm toán kỹ để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

- Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Tiết kiệm năng lượng là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp, liên quan trực tiếp đến chi phí đầu vào. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần chú ý thay đổi quy trình công nghệ, dây chuyền công nghệ nhằm giảm giá thành và phải có kiểm toán năng lượng trong thời gian dài.

- Ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Hàng năm, Thủ tướng Chính phủ đều ban hành danh sách các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm. Đây là những doanh nghiệp sử dụng trên 3 triệu kWh/năm. Trong năm 2022, Việt Nam có 3.068 doanh nghiệp thuộc danh sách trên, đang sử dụng đến 34% tổng lượng điện trên toàn quốc, sản lượng đạt 74 tỉ/250 tỉ kWh/năm. Đối tượng này cần có lộ trình tiết kiệm nhiều nhất bởi chỉ cần tiết kiệm được 2% thì chúng ta đã có 1,5 tỉ kWh/năm, tương đương 3.000 tỉ đồng/năm. Về kỹ năng tiết kiệm năng lượng, ngành điện cũng đã có nhiều nghiên cứu, tham khảo các chuyên gia trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp, cơ sở có thể tham khảo trên các trang web chính thống của EVN cũng như các tổng công ty.

 

Toạ đàm trực tuyến về điện sáng 16.5 do Báo Thanh Niên tổ chức

- Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm năng lượng và phát triển xanh: Việt Nam có chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả với nhiều hoạt động tập huấn, nhiều nguồn thông tin, cung cấp các dịch vụ tiết kiệm năng lượng từ phần thiết thị tới lắp đặt. Đặc biệt, có mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) đang được đẩy mạnh. Bộ Công thương giai đoạn tới sẽ xây dựng hành lang pháp lý mạnh mẽ cho mô hình ESCO. Theo đó, các doanh nghiệp hoặc hộ gia đình có thể ký hợp đồng với các công ty này để được tư vấn tiết kiệm năng lượng, không phải bỏ tiền đầu tư hệ thống lắp đặt điện mặt trời áp mái hoặc các công nghệ mà sẽ bù đắp bằng tiền bán điện hoặc tiền tiết kiệm.

Hỏi: Trên ti vi thường khuyến cáo người dân thay bóng đèn tiết kiệm điện. Các loại bóng đèn được quảng cáo có hiệu quả hay không, loại bóng đèn nào là tốt nhất?

 -  Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Từ 2014, Việt Nam đã gần như "khai tử" bóng đèn sợi đốt, không cho sản xuất, nhập khẩu bóng đèn sợi đốt dưới 60W. Hiện tại, trên thị trường vẫn còn những loại bóng đèn sợi đốt dưới 60W, không hiệu quả để tiết kiệm năng lượng. Các hộ gia đình nên thay thế bằng các loại đèn LED, túyp gầy hiệu suất cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng.

- Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm năng lượng và phát triển xanh: Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm chiếu sáng tiết kiệm năng lượng hơn nhiều so với bóng đèn sợi đốt. Các khách hàng có nhu cầu đặc biệt như sản xuất sản phẩm hội họa, phòng chiếu phim... cần độ chính xác về màu sắc cần quan tâm thêm chỉ số phản màu CLI (từ 80 - 90 trở lên) sẽ cho phép có màu sắc thực tế, gần như dưới ánh sáng mặt trời.

Hỏi: Nhà phố mà đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái thì tỷ suất đầu tư và tiết kiệm thế nào? Đầu tư quy mô bao nhiêu mới có hiệu quả tiết kiệm?

-  Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC): Thời gian qua, ngành điện và người dân trên cả nước đã lắp đặt nhiều hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà. Tùy vào diện tích không gian lắp đặt, công suất và nhu cầu của từng hộ gia đình mới tính toán được lắp quy mô bao nhiêu để vừa đảm bảo nhu cầu sử dụng. 

Tiểu thương chợ An Đông than nhiều năm phải mua giá điện cao, điện lực TP.HCM nói gì?

- Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Đối với các hộ sinh hoạt muốn lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái thì phần giá không phải chi trả nằm ở mức bậc cao nhất. Đơn cử, các hộ thường xuyên sử dụng điện ở bậc 6 trở lên thì 1kWh sẽ giảm được 3.100 đồng (chưa thuế). Với tỷ lệ tiết kiệm lớn như vậy thì lắp đặt hệ thống điện mặt trời với hộ sinh hoạt mang lại hiệu quả cao. Công suất phải tính toán phù hợp với nhu cầu và phụ tải điện. 

(Theo Báo Thanh Niên)