Điện mặt trời nhìn từ những nơi mừng rơi nước mắt
Mới 38 tuổi nhưng chị Hồng đã có 7 đứa con, tất cả đều mù chữ. Cả nhà chị sống trên một chiếc ghe nhỏ cặp bên mé sông Sở Hạ, gần cầu Tân Hội, nơi có con lộ chạy dài hun hút qua địa bàn xã Tân Hội, thành phố Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp).
Cuộc sống của chị Hồng và các con chỉ diễn ra trên ghe. Thứ giải trí gần như duy nhất của họ hiện nay là chiếc tivi dùng bằng điện mặt trời. Hơn 20 năm sống ghe, lênh đênh trên sông nước, gia đình chị Hồng chỉ dùng bình ắc quy, hoặc đèn pin để có chút ánh sáng về đêm. Thấy cuộc sống khó khăn của chị, một nhóm mạnh thường quân góp tiền lại đóng cho gia đình chị một chiếc ghe mới, rộng chừng 4m dài 7m, thiết kế có mái che giống như căn nhà nhỏ. Sau đó họ thuê người lắp pin năng lượng mặt trời trên mái, dẫn điện xuống ghe và mua tặng thêm cho gia đình chị một chiếc tivi.
Từ ngày có điện, buổi tối chị Hồng nhìn mặt các con rõ hơn, có thể chỉ mặt gọi tên từng đứa khi cần sai bảo, không còn gọi mông lung như trước vì chị chỉ thấy lờ mờ do thiếu điện. Với người phụ nữ mù chữ này, tấm pin mặt trời mới lắp trên ghe sao quá đỗi thần kỳ. “Nhờ có “tấm nhựa màu xanh” đó đó mà nhà mới có điện. Được xem tivi tụi nhỏ thích lắm…”, chị nói, rồi lấy tay vuốt đôi mắt đổ ghèn mờ đục (chưa rõ bị bệnh gì) kể về những tháng ngày sống lênh đênh với những đêm tối thiếu ánh đèn.
Giống hoàn cảnh chị Hồng, cách sông Sở Hạ không xa, trên một nhánh sông gần chợ Hồng Ngự, gia đình chị Nguyệt cũng sống trên ghe, rất ít khi lên bờ. Khoảng hai năm trước, chồng vướng vào vòng lao lý - đi tù, chị Nguyệt phải bươn chải nuôi hai đứa con. Cuộc sống của ba mẹ con cứ lặng lẽ trôi qua trên chiếc ghe nhỏ hẹp, tối mịt về đêm. Có nguồn điện để bóng đèn sáng suốt đêm, rồi được dùng quạt máy, xem tivi với gia đình chị trước đây là những thứ vô cùng xa xỉ.
Cho đến một ngày họ được mạnh thường quân giúp đỡ, đóng cho một chiếc ghe mới rộng hơn và lắp pin năng lượng mặt trời trên mui ghe. Từ ngày có điện, chị Nguyệt không còn lọ mọ với những bữa cơm chiều trong bóng hoàng hôn chập choạng. Có điện, có tivi có thể xem ban ngày, có quạt máy xua muỗi lúc chạng vạng, có đèn sáng ban đêm là “ba thứ mơ ước” đối với những người dân nghèo sống trên ghe như chị Nguyệt trước đây giờ đã thành hiện thực nhờ… điện mặt trời.
Với những người mù chữ, ít học như chị Hồng, chị Nguyệt họ không thể nào hiểu được về cơ chế hoạt động của tấm pin mặt trời ra sao, năng lượng tái tạo là gì. Họ chỉ biết, mấy “tấm nhựa màu xanh” này có thể phát ra điện, phát ra ánh sáng. Vì thế họ mừng rơi nước mắt. “Đâu có ai ngờ được lắp cái này lên là có điện”, chị Hồng nói, mắt ngấn lệ rồi nhoẻn miệng cười tỏ ra xấu hổ vì sự ít hiểu biết của mình.
Tuy nhiên, theo chị Hồng, điện mặt trời cũng có bất lợi là những ngày nắng yếu, hoặc trời mưa, lượng điện không đủ dùng cho sinh hoạt gia đình. “Lâu lâu cái bình (pin tích trữ năng lượng) cũng bị hư phải mang đi sửa hoặc mua mới mà nhà thì không có tiền nên cũng gặp khó khăn”, chị Hồng phàn nàn rồi phân bua: “Nói chung là cũng có chút trục trặc nhưng so với thời không có điện thì tốt hơn nhiều”.
Anh Hoàng Duy (nhà ở Cù lao Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) người thi công lắp pin năng lượng mặt trời cho “nhà” chị Hồng, chị Nguyệt cho biết, những hạn chế của điện mặt trời như chị Hồng phản ánh cũng là hạn chế chung của loại năng lượng này. Do đó, khi lắp đặt điện mặt trời, anh luôn hướng dẫn cặn kẽ cho người dân cách sử dụng, để hạn chế tối đa việc thiếu hoặc mất điện. “Trong bộ điều khiển của pin tích trữ năng lượng mặt trời, có hiển thị thông số giống như pin trên điện thoại, chỉ cần nhìn qua là biết pin nhiều hay ít. Khi pin nhiều thì sử dụng điện nhiều, khi ít thì hạn chế lại cũng như mình dùng điện thoại mỗi ngày vậy. Hôm nào nắng nhiều thì dùng bình thường, còn những lúc trời ít nắng thì hạn chế sử dụng ban ngày để dành dùng cho buổi tối”, anh Duy giải thích.
Anh Duy cho biết, ngoài hai trường hợp trên anh cũng thi công lắp đặt pin mặt trời cho nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn sống lênh đênh sông nước, lấy ghe làm nhà, thường neo đậu ở những khu vực cách trở. Thấy họ sống khó khăn nên mạnh thường quân giúp đỡ, đóng ghe mới rồi thuê mình đến lắp pin mặt trời để họ có điện dụng sinh hoạt hàng ngày. “Có điện họ mừng lắm! Ngoài những trường hợp như trên ghe xuồng, sà lan, nhà tạm bợ, tôi còn lắp cho các điểm kinh doanh sản xuất nhỏ cho đến các trang trại nằm ở những vùng xa xôi chưa có lưới điện. Trong 5 năm qua, tôi đã thi công lắp đặt hàng trăm trường hợp như vậy”, anh Duy nói.
Vùng cách trở bớt vắng vẻ về đêm
Mới 10 giờ sáng nhưng nắng như đổ lửa. Đứng trên cầu Tân Hội (xã Tân Hội, TP Hồng Ngự) nhìn về hướng đông, nắng lòa hoa mắt. Thế nhưng những người dân ở nhiều vùng biên giới Tây Nam này lại thấy vui. Bởi lẽ trời càng nắng thì những bóng đèn đường dùng bằng năng lượng mặt trời trên những cung đường vắng sẽ tỏa sáng suốt đêm.
“Lúc trước mỗi lần đi công tác xuống khu vực này tôi rất sợ đi qua những tuyến đường vắng như thế này. Ám ảnh nhất là đi ban đêm vì không có đèn đường. Nhiều hôm sợ quá không dám đi phải xin ngủ nhờ nhà dân vì khu này không có nhà nghỉ. Giờ thì bớt sợ rồi vì đường đã có điện mặt trời”, anh Phong (nhà ở TP.HCM) hay đi công tác các tỉnh vùng biên, thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp, An Giang, nhớ lại cảnh trước đây khi trò chuyện với chúng tôi tại một điểm đổ xăng trên con lộ này.
Theo người dân địa phương, từ lúc có những bóng đèn năng lượng mặt trời chạy dọc con đường nhỏ dài khoảng 5km băng qua những cánh đồng vắng ở xã Tân Hội, khu vực này đã bớt hoang vắng về đêm. “Trước khi có dãy đèn đường bà con ở đây không ai dám ra đường ban đêm. Nhiều hôm có việc gấp chạy lên trung tâm thành phố cũng không dám đi”, bà Hương (58 tuổi) nhà ở đoạn chưa có đèn đường (cũng thuộc xã Tân Hội), nói.
Hồi hương từ Campuchia, hơn 15 năm trước bà Hương và những người dân nơi đây sống trong cảnh không có điện nhiều năm dài. “Khi tôi về đây khu này chưa có điện, cuộc sống rất khó khăn. Khoảng 15 năm trước khu này mới có điện. Nhưng điện chỉ có trong nhà chứ ngoài đường thì không có. Gần đây mới có điện đường. Thấy cũng ngộ, không cần kéo dây chỉ cần lắp cái tấm gì đó lên là đèn sáng. Nghe nói, nắng càng dữ thì điện càng nhiều”, bà Hương nói rồi chép miệng: “Ước gì trước đây cũng có điện kiểu này thì hay biết mấy”.
Ông Dương Phú Xuân, Trưởng Phòng Kinh tế, UBND thành phố Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, tuyến đường qua địa bàn xã Tân Hội lắp điện mặt trời được thực hiện bằng ngân sách nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông buổi tối. Theo ông Xuân, đèn điện mặt trời có pin lưu trữ để thắp sáng, sử dụng tại chỗ là rất phù hợp để thực hiện cho những khu vực hẻo lánh, cách trở ở địa phương. Tuy nhiên, cũng hạn chế là lúc mưa thì mất điện và chi phí bảo trì, bảo dưỡng cao.
Gần 40 tuổi, từng sống trong cảnh không có điện suốt 20 năm, anh Bùi Hồ (nhà ở cù lao Thanh Bình, Hhuyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) cũng cảm nhận rõ được nỗi vui mừng của người dân ở cù lao này khi những con đường có điện mặt trời. “Do thường đi làm xa nhà nên cũng ít để sự thay đổi xung quanh. Cách đây khoảng hai năm, sau một chuyến đi làm xa trở về thấy đường nào trên cù lao cũng có điện nên cũng bất ngờ. Ngạc nhiên hơn, đây là điện mặt trời”, anh Hồ nhớ lại.
Anh kể: “Hồi mình còn nhỏ cù lao chưa có điện, buổi tối không ai dám ra khỏi nhà. Lúc đó bà con ở đây chỉ dùng đèn dầu, không đủ sáng. Khoảng 20 năm trước, cù lao mới có điện phát bằng máy chạy dầu lúc mạnh lúc yếu, rồi mấy năm sau mới có lưới điện kéo ra. Cuộc sống của bà con thay đổi dần, dân cư càng ngày càng đông đúc, làm ăn khấm khá hơn. Mấy năm gần đây thấy nhiều gia đình lắp điện mặt trời để có dùng sản xuất. Rồi giờ có thêm đèn đường được thực hiện theo mô hình xã hội hóa nên cuộc sống càng nhộn nhịp hơn”.
Anh Hồ bày tỏ: “Giá như 20 năm hay chục năm trước mà có điện mặt trời chắc dân cù lao càng thêm khấm khá”.
5 năm trước, thấy nhiều người lắp điện mặt trời mái nhà, anh Hoàng Duy, cũng đầu tư lắp đặt để dùng do nhu cầu sử dụng của gia đình đang tăng cao. Thấy mô hình này dần được ưa chuộng, anh Duy tìm hiểu, học nghề rồi trở thành người nhận thi công lắp đặt điện mặt trời cho nhiều gia đình ở cù lao này rồi dần dần mở rộng địa bàn ra khắp vùng Đồng Tháp.
“Điện mặt trời có hai hình thức, đó là lắp pin năng lượng để bám tải (hòa lên mạng lưới điện chung), hoặc lắp pin để tự dùng (loại có pin tích trữ năng lượng mặt trời). Lắp để tự dùng kiểu tự sản - tự tiêu thì chi phí cũng tương đối cao khoảng 65 triệu đồng một bộ còn lắp để bám tải thì khoảng 45 triệu”, anh Duy giải thích. Anh cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sông nước, nhiều nơi cách trở, đi lại khó khăn nên rất thích hợp lắp điện mặt trời.
Vườn xoài của anh Quốc ở ấp Trung, xã Tân Quới, huyện Thanh Bình nhiều năm không có điện do đường đi cách trở nên “muốn làm gì cũng khó”. Nhiều lúc anh tính kéo điện từ hệ thống lưới điện về nhưng chi phí quá cao, không kham nổi. Tình cảnh éo le kéo dài nhiều năm. Mới đây, được nhiều người quen giới thiệu, anh Quốc mới liên hệ anh Hoàng Duy để lắp điện mặt trời. “Có điện rồi thì tính dễ lắm!”, anh Quốc hồ hởi nói khi công trình hoàn thành. Với những “ông chủ nhỏ” như anh Quốc, có điện là khởi đầu thuận lợi cho việc đầu tư kinh doanh sản xuất. Đó cũng là lý do mà nhiều chủ trang trại nhỏ ở miền Tây lựa chọn lắp điện mặt trời.
Những ngày giữa tháng 10/2023, đi dọc vùng biên giới An Giang, chúng tôi bắt gặp nhiều khu vực được bao phủ bởi những tấm pin năng lượng mặt trời rộng lớn hút tầm mắt được người dân nơi đây gọi là “cánh đồng điện mặt trời”. Tại thị xã Tịnh Biên, An Giang có hai dự án điện mặt trời rất lớn là dự án điện mặt trời Văn Giá 1 và 2 (tổng công suất 100 MWp) và dự án Điện mặt trời An Hảo (công suất phát điện 210MWp). Trong đó, nhà máy Điện mặt trời An Hảo còn là điểm du lịch mới của vùng Bảy Núi (An Giang).
Trên con đường băng qua những dãy pin mặt trời xếp lớp trải dài hút mắt, anh tài xế giới thiệu rành rọt từng chi tiết về dự án này: “Dự án rộng gần 300ha, hiện đã lắp hơn 500.000 tấm pin năng lượng mặt trời. Ước tính mỗi ngày dự án này sinh lời hơn 1 tỉ đồng từ tiền điện”. Cứ tưởng anh là hướng dẫn viên hay kỹ sư ở đây nên tôi khá bất ngờ khi biết anh là dân địa phương, nhà có đất bàn giao cho dự án này và hiện là nhân viên của Khu du lịch, tên là SalNil.
“Lúc đầu gia đình cũng đắn đo khi phải giao đất để làm dự án. Nhưng họ mua đất giá cao, lại còn cam kết sẽ hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho con em địa phương nên gia đình mình cũng như bà con ở đây mới đồng ý. Dự án chỉ lấy một phần đất sản xuất thôi, người dân vẫn còn đất ở chỗ khác để trồng trọt”, SalNil cho hay.
Với các dự án điện mặt trời quy mô lớn như Văn Giá, An Hảo, điện sẽ được đưa lên hệ thống điện Quốc gia để hòa mạng, sau đó mới cung cấp đến người dân. Vì thế, đối với những địa bàn cách trở, chưa có lưới điện thì mô hình phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời là lựa chọn có thể thực hiện nhanh hơn.
Cách đây 5 năm, hàng trăm hộ dân ở vùng biên giới thuộc huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) chưa có điện lưới đã được sử dụng điện mặt trời từ dự án “Tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam thông qua ứng dụng các giải pháp năng lượng xanh và bền vững” của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) - một tổ chức khoa học và công nghệ, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Ông Trần Đình Sinh, Phó Giám đốc GreenID cho biết, sau những chuyến đi thực tế nhận thấy khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tính chất đặc thù, nhiều nhà dân cách nhau khá xa, từ 100 - 200m, nêu nếu kéo lưới điện sẽ tốn kém và mất công sức, nhất là những khu vực như cù lao, vùng biên giới. “Do đó chúng tôi quyết định thực hiện dự án lắp đặt pin năng lượng mặt trời cùng pin lưu trữ năng lượng để người dân có điện sử dụng cả ngày lẫn đêm. Sắp tới nếu có nguồn kinh phí, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các dự án tương tự cho khu vực miền Tây”, ông Sinh cho hay.
Về việc có nên kéo lưới điện ra những vùng cách trở như Côn Đảo, Phú Quốc hay thực hiện dự án năng lượng tái tạo tại chỗ như điện mặt trời, theo ông Sinh, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. “Theo tôi, những vùng cách trở có địa bàn rộng, đông dân cư, có các hoạt động sản xuất, phát triển du lịch như Phú Quốc, Côn Đảo, việc kéo điện vượt biển mới cần tính toán kỹ lưỡng về bài toán năng lượng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương này. Còn đối với những cù lao nhỏ hay những vùng nông thôn cách trở ở miền Tây, phát triển năng lượng tái tạo tại chỗ như điện mặt trời, điện gió là phù hợp, có thể thực hiện ngay. Đây là nguồn năng lượng xanh, sạch nên cũng cần ưu tiên thực hiện”, ông Sinh nói.
Ông Sinh cho rằng, với những vùng đặc thù như cù lao, vùng biên giới, vùng nông thôn… do địa bàn xa xôi, cách trở không nên phụ thuộc quá nhiều vào lưới điện vì trên thực tế không ít nơi đầu tư hệ thống lưới điện sẽ tốn kém nhưng hiệu quả kinh tế không cao. “Ở những vùng này nhu cầu sử dụng điện của người dân rất ít, họ chỉ cần ánh sáng về đêm, xem tivi, bật quạt máy là được... Tiền điện hàng tháng chỉ vài chục ngàn đồng. Do đó, có nơi kéo lưới điện tới, hàng tháng tiền điện của người dân sử dụng không đủ trả cho nhân viên đi thu tiền điện. Thế nhưng trong những lần đi khảo sát chúng tôi thấy có nhiều nơi cách trở, tỷ lệ hộ dân chưa có điện lưới khá nhiều”, ông Sinh dẫn chứng.
Nói về câu chuyện nhiều người dân ở cù lao, vùng biên giới, ước ao giá như điện mặt trời có từ 10 năm trước thì đến nay, cuộc sống của họ đã đổi thay rất nhiều, ông Sinh cho rằng, nguyên nhân có thể do trước đây giá thành lắp điện mặt trời hơi cao cũng như sự quan tâm của các cấp các ngành về năng lượng tái tạo, năng lượng xanh chưa nhiều.
“Trước đây điện mặt trời có giá khá cao nhưng hiện nay, với sự phát triển về công nghệ, giá thành thực hiện các công trình điện mặt trời giảm mạnh là điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng này. Cứ khoảng 5 năm thì giá thành của thiết bị điện mặt trời lại giảm một nửa. Vì thế, việc thực hiện các dự án điện mặt trời tại chỗ quy mô nhỏ cho những vùng cách trở là hợp ý. Qua đó, cũng góp phần phần hạn chế nguồn năng lượng hóa thạch (nhiệt điện), giảm ô nhiễm môi trường”, ông Sinh nói.
https://nongthonviet.com.vn/
Sản phẩm nổi bật
Đèn đường năng lượng mặt trời SUNTEK DA-03 Plus
3,990,000đ
4,190,000đ
Bộ Lưu Trữ Năng Lượng Mặt Trời SUNTEK Battery Power 12V/25Ah Plus
4,190,000đ
4,590,000đ
Đèn sân vườn năng lượng mặt trời SUNTEK GD58
2,000,000đ
2,150,000đ
Đèn sân vườn năng lượng mặt trời SUNTEK GD89
1,904,000đ
2,150,000đ
Tấm PIN Năng Lượng Mặt Trời SUNTEK SSP-50W
890,000đ
990,000đ
Bộ Lưu Trữ Năng Lượng Mặt Trời SUNTEK Battery Power 12V/25Ah
4,190,000đ
4,590,000đ
Máy Phát Điện SUNTEK SG-02 1000W Sạc Bằng Năng Lượng Mặt Trời
16,800,000đ
19,000,000đ
Bộ sạc Acquy, Pin bằng năng lượng mặt trời SA150W/30A
2,190,000đ
2,990,000đ
sản phẩm Đèn đường năng lượng mặt trời SUNTEK DA-02 Plus
3,650,000đ
3,850,000đ
Sản phẩm nổi bật
Đèn đường năng lượng mặt trời SUNTEK DA-03 Plus
3,990,000đ
4,190,000đ
Bộ Lưu Trữ Năng Lượng Mặt Trời SUNTEK Battery Power 12V/25Ah Plus
4,190,000đ
4,590,000đ
Đèn sân vườn năng lượng mặt trời SUNTEK GD58
2,000,000đ
2,150,000đ
Đèn sân vườn năng lượng mặt trời SUNTEK GD89
1,904,000đ
2,150,000đ
Tấm PIN Năng Lượng Mặt Trời SUNTEK SSP-50W
890,000đ
990,000đ
Bộ Lưu Trữ Năng Lượng Mặt Trời SUNTEK Battery Power 12V/25Ah
4,190,000đ
4,590,000đ
Máy Phát Điện SUNTEK SG-02 1000W Sạc Bằng Năng Lượng Mặt Trời
16,800,000đ
19,000,000đ
Bộ sạc Acquy, Pin bằng năng lượng mặt trời SA150W/30A
2,190,000đ
2,990,000đ
sản phẩm Đèn đường năng lượng mặt trời SUNTEK DA-02 Plus
3,650,000đ
3,850,000đ