12:00 02/01/2024

Điện mặt trời cho trường học Việt Nam: Lợi ích lớn chờ khai thác

Tại Việt Nam, điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) phát triển mạnh trong vài năm gần đây, nhưng chỉ tập trung ở khu vực thương mại, công nghiệp, dân cư. Đối với khu vực trường học, ĐMTMN còn khiêm tốn, nhưng nếu áp dụng - đặc biệt cho các trường vùng sâu, vùng xa - điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích.

Một ngày cuối tháng 10/2023, tranh thủ lúc đám trẻ ngủ, cô giáo Trần Thị Ánh Việt tắt bớt 2 bóng điện led trong căn phòng rộng chừng 30m2. “Nếu không tiết kiệm, chiều mưa sẽ không có điện sáng để dạy”, cô Việt khẽ nói rồi tranh thủ cắm sạc chiếc laptop cũ của mình.

Giáo viên nào từng công tác ở điểm Trường mầm non Hoa Mai, bon Mera, xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức (Đắk Nông), đều có thói quen như cô giáo Việt. Thói quen có từ khi điểm trường này đưa vào sử dụng vào năm 2018.

Điểm trường có 3 phòng học, nhận học sinh từ 3 tuổi trở lên. Qua từng năm, số học sinh ở điểm trường tăng dần. Năm đầu chục cháu, đến năm nay là 21 cháu. Phần lớn chúng là con em đồng bào dân tộc thiểu số và tất cả đều ăn bán trú ở trường.

 

Cô giáo Đoàn Thị Thủy, giáo viên điểm Trường mầm non Hoa Mai, xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) sử dụng các thiết bị máy tính, tivi bằng nguồn điện mặt trời

Điểm trường này cách điểm chính của Trường mầm non Hoa Mai khoảng 8 km. Đường đi vào trường gần đây bớt khó khăn hơn. Cứ mỗi trưa, các cô ở điểm trường chính lại chạy xe máy, đưa thức ăn vào cho 2 cô giáo và 21 đứa nhỏ.

Nhưng dù hạ tầng cơ sở có tốt lên theo thời gian thì một thứ tốt đẹp vẫn chưa thấy tới, đó là điện lưới quốc gia. Vì lý do này mà khi xây điểm Trường mầm non Hoa Mai, Điện lực huyện Tuy Đức đã tài trợ nơi đây 6 tấm pin mặt trời lắp vào mái tôn phía trên.

Hệ thống điện mặt trời (ĐMT) này kết nối qua Inverter (bộ biến tần) rồi đưa điện vào 6 bình tích điện phía dưới. Điện từ bình tích kết nối với hệ thống, cung cấp điện để chiếu sáng và sử dụng các thiết bị thiết yếu của trường.

Nhờ nguồn điện mặt trời mà việc học tập, sinh hoạt của các học sinh điểm Trường mầm non Hoa Mai, xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) tốt đẹp hơn. Trong ảnh: Giờ nghỉ trưa của học sinh

Cô giáo Đoàn Thị Thủy, đồng nghiệp cô Việt, tâm sự: “Vào mùa nắng thì đủ điện thắp sáng, bật quạt, mở tivi cho các cháu học. Chứ mùa mưa thì nhiều lúc không đủ điện thắp sáng luôn. Cô và trò ngồi nhìn nhau chứ cũng chẳng dạy học được gì”.

Thật ra ngay cả vào mùa nắng khi có nhiều điện, lượng điện cũng không đủ để dùng cho máy bơm nước. Nhà trường phải chi tiền đổ dầu, nhờ người dân xung quanh bơm nước lên bồn rồi dùng tiết kiệm. Cứ mấy ngày hết bồn, các cô lại chạy lại nhà dân nhờ họ bơm.

Mấy chục năm công tác trong ngành Giáo dục xa nhà, cô giáo Lại Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Mai, hiểu khu vực này còn lâu lắm mới có điện lưới về. Bởi vì, khoảng cách đường dây về đến trường cũng phải khoảng 5km. Chưa kể người dân sống rải rác, nhà này cách nhà kia cả quả đồi. Tiền kéo điện lưới về cho dân xài có lẽ rất nhiều, xem chừng bất khả thi.

Cô giáo Hoa vẽ ra một ước mơ đơn giản nếu có ĐMT: “Nếu có điện nhiều, trường sẽ tổ chức nấu ăn tại chỗ cho các cháu và cô. Có điện nhiều, trường sẽ có ánh sáng, có gió mát, và thậm chí có thể sử dụng các thiết bị như loa, ti vi, máy tính để dạy học tốt hơn”.

Cách điểm Trường mầm non Hoa Mai ở bon Mera chừng 20km là Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, xã Quảng Tân. Đây là trường học duy nhất trong hệ thống trường học của huyện biên giới Tuy Đức có hệ thống ĐMT kết nối với lưới điện.

Toạ lạc tại một xã nghèo có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nên so với trường học của nhiều địa phương khác của tỉnh Đắk Nông, Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi không tránh khỏi ít nhiều thiệt thòi.

Năm 2019, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung lắp đặt và trao tặng trường một hệ thống ĐMT gồm 30 tấm pin với tổng công suất trên 11kWp. Trong 4 năm qua, hệ thống cung cấp được một sản lượng điện khoảng 11.500 kWh. Con số này không lớn về kinh tế nhưng lại mang đến nhiều lợi ích.

Hệ thống ĐMTMN ở Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, huyện biên giới Tuy Đức (Đắk Nông) biến ngôi trường xanh, đẹp như trong mơ về khía cạnh bảo vệ môi trường

Thầy giáo Đậu Xuân Tuất, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, tâm sự: “ĐMT giúp trường giảm được việc chi trả tiền điện hàng tháng. Nếu hệ thống vận hành ổn định, ĐMT cung cấp sản lượng điện khoảng hơn 500 kWh/tháng. Với sản lượng này, nhiều tháng nhà trường cơ bản không tốn tiền điện và còn tiết kiệm được vài triệu đồng/năm”.

Được biết, với số tiền tiết kiệm dôi ra từ việc trả tiền điện, Ban Giám hiệu Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đã dùng vào việc mua thêm sách vở học tập cho thư viện. Việc này giúp học sinh, phần lớn là học sinh nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số - đến gần hơn với thế giới văn minh.

Ngoài khía cạnh kinh tế, hệ thống ĐMT nằm ngay trên mái ngôi trường còn mang lại một lợi ích to lớn khác. Đó là việc tạo ra những giá trị về mặt giáo dục và nhận thức cho học sinh về năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường.

Lưu Thị Ngạn Xương, 10 tuổi, người dân tộc Nùng, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi là thí dụ. Xương vào học trường này từ năm lớp 2. Khi em đến, trường đã có hệ thống ĐMT nhưng em không biết nó là gì. Mãi đến khi các bạn nam trong lớp tò mò hỏi về mấy tấm pin và nghe thầy cô giải thích, em mới dần hiểu ra.

Em nói: “Thầy, cô giáo luôn nói với chúng em, nhờ những tấm pin trên mái nhà mà lớp học mới có điện chiếu sáng. Việc dùng năng lượng có sẵn như mặt trời sẽ góp phần chung tay bảo vệ môi trường”.

Đáng nói hơn, từ việc hiểu công dụng của những tấm pin mặt trời mà Xương đã có ý thức hơn trong việc xử lý rác đúng cách, trồng thêm nhiều cây xanh và bảo vệ nguồn nước.

Lê Phước/https://baodaknong.vn/