12:00 28/09/2020

Điện mặt trời - 'tân vương' tiềm năng của ngành năng lượng

Năng lượng tái tạo có thể đóng góp tới 80% cho tăng trưởng phát điện trong thập kỷ tới.Pin mặt trời hiện là một trong những nguồn điện rẻ nhất lịch sử nhờ công nghệ sản xuất rất phát triển và nhiều chính sách nhằm giảm chi phí đầu tư được ban hành.Với những chính sách hỗ trợ hiện nay, điện mặt trời sẽ liên tục lập kỷ lục mới về quy mô mỗi năm sau năm 2022.

Thanh Long (Theo CNN)Thứ bảy, 17/10/2020, 19:00 (GMT+7)

Sẽ liên tục lập kỷ lục về quy mô mỗi năm sau 2022

Trong báo cáo vừa được công bố tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết ở hầu hết quốc gia, chi phí sản xuất điện bằng cách thu năng lượng từ mặt trời thấp hơn nhiều so với việc đốt than hoặc khí tự nhiên. Theo đó, pin mặt trời hiện là một trong những nguồn điện rẻ nhất lịch sử nhờ công nghệ sản xuất rất phát triển và nhiều chính sách nhằm giảm chi phí đầu tư được ban hành. 

IEA đưa ra 3 kịch bản về tiềm năng phát triển trong tương lai của thị trường năng lượng toàn cầu vốn đang chao đảo vì đại dịch Covid-19. Trong khi nhiên liệu hóa thạch phải đối mặt với một tương lai bấp bênh thì triển vọng phát triển của các loại năng lượng tái tạo đều được đánh giá từ "mạnh mẽ" đánh đến "ngoạn mục", với năng lượng mặt trời dẫn đầu.

Còn theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, chi phí phát điện từ các hệ thống pin mặt trời quy mô lớn đã giảm từ gần 38 UScent/kWh vào năm 2010 xuống còn trung bình 6,8 UScent/kWh vào năm ngoái.

"Tôi cho rằng điện mặt trời sẽ là 'vị vua mới' của thị trường điện thế giới. Với những chính sách hỗ trợ hiện nay, điện mặt trời sẽ liên tục lập kỷ lục mới về quy mô mỗi năm sau năm 2022", ông Fatih Birol, giám đốc của IEA, nói. 

dien-mat-troi-5457-1602899943.jpg

Với những chính sách hỗ trợ hiện nay, điện mặt trời sẽ liên tục lập kỷ lục mới về quy mô mỗi năm sau năm 2022. Ảnh: Getty Images.

Một trong những kịch bản mà IEA đưa ra là đại dịch Covid-19 được kiểm soát và nhu cầu năng lượng trên toàn cầu trở lại mức trước khi bùng phát dịch vào đầu năm 2023. Khi đó, số lượng hệ thống pin mặt trời sẽ tăng mạnh, với công suất phát điện tăng trung bình 12% mỗi năm tới năm 2030. Năng lượng tái tạo đóng góp khoảng 80% vào tăng trưởng phát điện toàn cầu vào cùng thời điểm, đồng thời vượt than trở thành nguồn sản xuất điện chính. 

Trong bối cảnh năng lượng sạch là yếu tố quan trọng đối với nhiều lĩnh vực nhằm hướng tới một tương lai ít khí thải CO2 hơn, IEA dự báo điện ngày càng chiếm thị phần lớn trong tiêu thụ năng lượng. Cơ quan này cho rằng điện mặt trời vẫn là một lựa chọn kinh tế ngay cả trong kịch bản mà đại dịch tiếp diễn, gây ra thiệt hại lâu dài đối với kinh tế thế giới với tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng ở mức thấp nhất kể từ những năm 1930. 

Còn theo kịch bản phát triển bền vững của IEA, điện mặt trời sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Khi đó, các chính sách cũng như dự án đầu tư vào năng lương sạch sẽ tăng mạnh nhằm hướng tới mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris. Thị phần của điện mặt trời và điện gió trong sản xuất điện toàn cầu theo đó tăng từ 8% vào năm 2019 lên gần 30% vào năm 2030. 

"Nếu các chính phủ và nhà đầu tư đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, sự tăng trưởng của cả điện mặt trời và điện gió thậm chí sẽ ngoạn mục hơn", ông Birol cho hay. 

Chính phủ một số quốc gia cũng đang đưa các cam kết về môi trường vào kế hoạch phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Động thái này nhằm hưởng ứng lời kêu gọi các chính phủ xem thời điểm chống dịch hiện nay là cơ hội để đối phó với khủng hoảng khí hậu bằng cách nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Các công ty dầu khí như BP và Royal Dutch Shell đều đã công bố kế hoạch chiến lược lớn với mục tiêu chuyển hướng sang các loại năng lượng ít khí thải. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi sâu sắc thị trường năng lượng toàn cầu. 

Đại dịch Covid-19 cuối cùng sẽ giúp ích hay cản trở nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hướng tới mục tiêu về khí hậu và năng lượng của cộng đồng quốc tế? Theo IEA, việc này sẽ phụ thuộc vào cách các chính phủ phản ứng thế nào với những thách thức hiện có. 

'Vua' than sắp 'thoái vị'

Sự tăng trưởng ngoạn mục của điện mặt trời trái ngược với xu hướng đi xuống của than, thứ nhiên liệu từng là trụ cột của lĩnh vực năng lượng suốt nhiều thập kỷ qua. 

Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động kinh tế cũng như nhu cầu điện suy yếu. Nhu cầu tiêu thụ than trên toàn cầu cũng giảm theo, IEA cho biết. Cơ quan này dự báo có 275 GW công suất nhiệt điện ngừng hoạt động tới năm 2025, tương đương khoảng 13% tổng công suất nhiệt điện toàn cầu vào năm 2019. 

Ngay cả khi kinh tế thế giới phục hồi vào năm 2020, thị phần của than trong sản xuất điện sẽ giảm từ 37% xuống 28% vào năm 2030.

"Sự trỗi dậy của năng lượng tái tạo cùng với những chính sách nhằm loại bỏ than và khí đốt tự nhiên sẽ khiến nhu cầu than tại các nền kinh tế phát triển giảm gần 50% tới năm 2030", theo IEA. Trong khi đó, tăng trưởng nhu cầu than ở các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á, như Ấn Độ, cũng ở mức thấp hơn nhiều so với dự báo trước đây và không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm ở khu vực khác.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây cũng cam kết đưa lượng khí thải CO2 về 0 trong vòng 40 năm tới, đồng nghĩa nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới phải giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch này. 

Chi phí sản xuất điện mặt trời càng giảm thì thời đại của than càng nhanh tàn. Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế hồi tháng 6 cho biết chi phí sản xuất điện mặt trời có thể đạt trung bình 3,9 UScent/kWh đối với những dự án được vận hành từ năm 2021, giảm 42% so vưới năm 2019 và rẻ hơn 1/5 so với các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. 

Trong khi đó, triển vọng với dầu thô lại kém chắc chắn hơn. Nhu cầu dầu thô từng giảm mạnh vào cao điểm phong tỏa vì đại dịch Covid-19, do các nhà máy đóng cửa, máy bay không được cất cánh và người dân phải ở nhà. Gần đây, ngành dầu thô ghi nhận sự phục hồi khiêm tốn nhưng một số nhà phân tích và Tập đoàn BP cho rằng nhu cầu sẽ không bao giờ trở lại mức đỉnh được ghi nhận vào năm ngoái. Nguyên nhân là đại dịch Covid-19 đã thay đổi cách sống và du lịch của thế giới, chưa kể các chính phủ đang tích cực hạn chế phát thải khí CO2. 

IEA dự báo nhu cầu dầu sẽ đi ngang trong 10 năm tới, nhưng nếu các chính phủ không có sự thay đổi lớn về chính sách, nhu cầu sẽ không giảm nhanh. "Với chính sách hiện hành, nếu kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu dầu cũng sẽ sớm trở mức trước khi đại dịch xảy ra", ông Birol nói. 

Nguồn: https://ndh.vn